Deoksugung (덕수궁 – Cung Đức Thọ): Nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

0
119
Deoksugung (덕수궁): Nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
Deoksugung là một trong 5 cung điện còn sót lại từ triều đại Joseon. Quang cảnh xung quanh Deokhongjeon hay còn gọi là Đức Hoằng Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

Deoksugung (덕수궁) – nơi mang một sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Mình biết đến nơi này khá lâu rồi và cũng rất hào hứng muốn chứng kiến tận mắt nét đẹp độc đáo của nó, nên mình đã thu xếp đến đây trong chuyến đi thăm Hàn Quốc vừa qua. Từ giây phút đặt chân bước vào cung điện này đã khiến mình cảm giác bản thân đang “xuyên không” quay về quá khứ, và bỗng chốc trở lại hiện tại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Hãy cùng mình khám phá nhiều hơn về cung điện đặc biệt trong bài viết dưới đây nhé.

Vài nét về Deoksugung (덕수궁)

◌ Lịch sử cung điện

Cung Đức Thọ hay Deoksugung là một trong số 5 cung điện của triều đại Joseon tọa lạc ngay giữa lòng thủ đô Seoul hoa lệ, nên thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm. Tuy vậy, ngay khi bước qua cổng chính, tiến vào bên trong, mình lại cảm nhận được một không gian yên bình hoàn toàn khác với không khí vừa mới trước đó.

Tại quầy thông tin du lịch ngay cổng vào cung điện có sẵn những ấn phẩm được in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, phục vụ cho khách tham quan để hiểu rõ hơn về điểm đến đó. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Tại quầy thông tin du lịch ngay cổng vào cung điện có sẵn những ấn phẩm được in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, phục vụ cho khách tham quan để hiểu rõ hơn về điểm đến đó. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Bên cạnh cổng Daehanmun (Đại Hán Môn), Cung Đức Thọ còn có Gwangmyeongmun (Quang Minh Môn) và cổng khác. Đây là Quang Minh môn vốn không nằm tại vị trí hiện tại từ ban đầu mà đã được dời đến vị trí này trong thời kỳ đô hộ của Nhật tại Triều Tiên. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Bên cạnh cổng Daehanmun (Đại Hán Môn), Cung Đức Thọ còn có Gwangmyeongmun (Quang Minh Môn) và cổng khác. Đây là Quang Minh môn vốn không nằm tại vị trí hiện tại từ ban đầu mà đã được dời đến vị trí này trong thời kỳ đô hộ của Nhật tại Triều Tiên. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

Cung điện được xây dựng và đưa vào sử dụng từ thời Joseon cho đến tận cuối thế kỷ 19. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm đặc biệt bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên, cho đến hiện tại, cung điện chỉ còn sót lại ⅓ diện tích ban đầu. Trước đó mình rất thắc mắc về tên gọi của cung điện này, đặc biệt tên tiếng Việt của nó là Đức Thọ. Tuy nhiên qua tìm hiểu mình mới biết tên gọi của cung điện cũng nhiều lần được thay đổi trong quá khứ, vốn dĩ ban đầu cung điện này không mang tên Deoksu. Ban đầu, vua Gojong đã đặt tên cho cung điện là Gyeongun sau khi ông gia nhập vào một gia đình người Nga. Sau này, để tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính đối với vua Gojong, cung điện được lấy tên là Deoksu nghĩa là Đức Thọ.

Bài viết liên quan  이웃과 나누는 정직한 일상 - Cuộc sống đời thường chân thành để chia sẻ với láng giềng

◌ Sơ đồ cung điện:

Mình đã dành ra 3 giờ đồng hồ để đi xung quanh khuôn viên của cung. Đối với mình, có lẽ nơi đây vẫn khá rộng lớn dẫu đã bị tàn phá hơn quá nửa trước đó. Mình đặc biệt ấn tượng với các cổng vào của cung điện này, mỗi cổng đều được trang trí với hoa văn tinh xảo và phức tạp, rực rỡ đầy màu sắc tươi sáng dẫu đã trải qua nhiều biến cố.

Cung điện gồm nhiều cổng đặt ở các vị trí khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Cung điện gồm nhiều cổng đặt ở các vị trí khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

Mình thấy hầu hết các khu du lịch và tham quan của Hàn Quốc rất hiện đại, ngay cả khi nơi đó là địa danh lịch sử từ thời xa xưa những cũng được trang bị những thiết bị y tế cần thiết và tiện ích phục vụ khách du lịch như điểm cho thuê xe lăn, cà phê, phòng cho con bú, quầy lưu niệm, nhà vệ sinh và dụng cụ cấp cứu.

Cấu trúc của Deoksugung (덕수궁)

Có bề dài lịch sử trong công cuộc hình thành và xây dựng, Deoksugung mang nét nổi bật với lối kiến trúc đột phá và độc đáo, sự giao thoa đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Chính điều này đã khiến cung điện thu hút nhiều khách đến tham quan trong đó có mình. Hãy cùng mình khám phá từng phần của cung điện nhé.

 

◌ Các cổng:

Quang cảnh xung quang Hàm Ninh Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Quang cảnh xung quang Hàm Ninh Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

Chúng mình đã đi qua cổng Đại Hán Môn (Daehanmun) để tiến vào bên trong cung điện. Khi tham quan nơi đây, mình nhận ra nơi đây có khá nhiều cổng. Trong số đó, cổng Daehanmun nằm phía đông cung điện, là cổng chính của cung điện hiện nay, cổng Gwangmyeongmun ở phía nam cung điện có treo chuông đồng nên có khá nhiều khách du lịch tìm đến đây.

◌ Hàm Ninh Điện – Hamnyeongjeon (함녕전):

Nơi đầu tiên trong cung điện mà mình tham quan là Hàm Ninh Điện. Theo như mình được biết, đây vốn dĩ là nơi nghỉ ngơi của vua Gojong sau khi ông trở về từ cuộc lánh nạn ở công sứ quán Nga, cũng là nơi ông băng hà. Bên trong kiến trúc khá đơn giản, cũng bởi lẽ vậy khi bước vào bên trong, mình cảm giác bình yên đến lạ.

Kiến trúc cổng vào Hàm Ninh Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Kiến trúc cổng vào Hàm Ninh Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

◌ Đức Hoằng Điện – Deokhongjeon (덕홍전):

Khác với sự đơn sơ giản dị của Hàm Ninh Điện trong mắt mình, Đức Hoằng Điện có phần lộng lẫy và rộng rãi hơn. Được biết, đây là nơi để tiếp khách, các quan sứ nước ngoài lúc bấy giờ. Xung quang điện này cũng có cảnh vật rất đẹp với cây xanh và những bức tường đá cổ xưa, y hệt như cảnh trong phim Hàn Quốc cổ trang – phim Nàng Dae Chang Kum mà mình mê mần thuở còn thơ vậy.

Mình check-in cùng với Đức Hoằng Điện phía sau. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Mình check-in cùng với Đức Hoằng Điện phía sau. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

◌ Trung Hòa Điện – Junghwajeon (중화전):

Địa điểm tiếp theo chúng mình di chuyển đến vị trí trung tâm, nơi đây có tổ hợp 3 tòa nhà với lối kiến trúc đối lập nhau. Nét cuốn hút của sự đối lập trong kiến trúc cũng chính là lí do khiến mình – một tín đồ yêu thích kiến trúc nóng lòng muốn đến khám phá nơi đây đến vậy. Một trong số đó là Trung Hòa Điện. Cung điện này có diện tích khá lớn và là điện chính của Deoksugung. Nằm vị trí trung tâm, đối diện với hai tòa nhà mang lối kiến trúc hiện đại – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại và Thạch Tạo Điện (Seokjojeon), cũng là nơi ban đầu được sử dụng để tổ chức các nghi thức quan trọng trong cung như thừa kế ngôi vị và trao ngai vàng.

Phía trước của Trung Hòa Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía trước của Trung Hòa Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Cảnh vật bên trong của Trung Hòa Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Cảnh vật bên trong của Trung Hòa Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

◌ Thạch Tạo Điện – Seokjojeon (석조전):

Điểm tiếc nhất trong chuyến tham quan của mình tại Cung Đức Thọ chính là không có cơ hội vào thăm bên trong Thạch Tạo Điện này mà chỉ ngắm nhìn và check-in phía bên ngoài. Mình không biết là phải đăng ký trước mới được vào trong tham quan. Vì vậy chúng mình đành đứng bên ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp của tòa nhà. Mang phong cách kiến trúc tân cổ điển thế kỷ 19 từ phương Tây, nơi đây cũng rất lộng lẫy và được vua Gojong sử dụng để nghỉ ngơi và tiếp khách. Mãi sau đó mới được đưa vào sử dụng như bảo tàng nghệ thuật.

Vẻ đẹp cổ điển của Thạch Tạo Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Vẻ đẹp cổ điển của Thạch Tạo Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Khác với những khu vườn vô số cây trong các cung điện khác, Thạch Tạo Điện có một khu vườn rất đặc biệt gồm một đài phun nước mang phong cách phương Tây rất đẹp nằm ở phía trước Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Khác với những khu vườn vô số cây trong các cung điện khác, Thạch Tạo Điện có một khu vườn rất đặc biệt gồm một đài phun nước mang phong cách phương Tây rất đẹp nằm ở phía trước Điện. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

◌ Bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc gia:

Nơi tiếp theo chúng mình tham quan cũng là một bảo tàng. Nơi đây mang nét đẹp hiện đại với phong cách kiến trúc Phục hưng, bảo tàng được đưa vào sử dụng để triển lãm tranh của các họa sĩ nổi tiếng thế giới. Theo thông tin mà lễ tân cung cấp thì bình thường nơi đây sẽ miễn phí vé vào cửa và sẽ thu phí khi có triển lãm đặc biệt.

Phía trước của Bảo tàng Nghệ thuật khá nhiều người tham quan. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía trước của Bảo tàng Nghệ thuật khá nhiều người tham quan. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Có một điểm khá đặc biệt khiến mình ngạc nhiên tại đây là nơi giữ ô, mình có thể khóa ô lại đảm bảo không bị mất đồ. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Có một điểm khá đặc biệt khiến mình ngạc nhiên tại đây là nơi giữ ô, mình có thể khóa ô lại đảm bảo không bị mất đồ. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

◌ Tịnh Quán Hiên – Jeonggwanheon (정관헌):

Đi băng qua vườn thượng uyển xanh mát điểm xuyết màu cam, đỏ của lá cây sắc thu, Tịnh Quán Hiên nằm e ấp trên ngọn đồi phía sau Đức Hoằng Điện như một nàng công chúa đang chờ đợi hoàng tử của mình đến đánh thức dậy. Đối với mình kiến trúc ở đây rất lạ và đẹp mắt vừa giao thoa giữa phong cách kiến trúc của cả Hàn Quốc và phương Tây. Theo kể lại thì thuở xưa Vua Gojong đã sử dụng nơi này để tổ chức tiệc thiết đãi khách nước ngoài khi đến thăm cung điện.

Quang cảnh xung quang Tịnh Quán Hiên. (Ảnh: Wu Jinhua / Korea.net)
Quang cảnh xung quang Tịnh Quán Hiên. (Ảnh: Wu Jinhua / Korea.net)

◌ Trùng Minh Điện – Jungmyeongjoen (중명전):

Điểm đến cuối cùng mà chúng mình đặt chân đến tham quan trong khuôn viên Cung Đức Thọ chính là Trùng Minh Điện. Theo bảng giới thiệu đặt bên ngoài điện có chỉ ra rằng, nơi đây vốn được xây dựng ban đầu như một thư viện hoàng gia để lưu trữ và bảo tồn những cuốn sách có giá trị, cũng như các đồ vật khác trong quá trình cải tạo Deoksugung. Nhưng sau đó, dưới sự đàn áp của quân Nhật Bản, thì trở thành địa điểm ký kết Hiệp ước Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tước bỏ quyền ngoại giao của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Sau này, điện mới được sử dụng như một bảo tàng trưng bày.

Trùng Minh Điện khoác trên mình “tấm áo” nhiều màu sắc rực rỡ với lối kiến trúc rất độc đáo. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Trùng Minh Điện khoác trên mình “tấm áo” nhiều màu sắc rực rỡ với lối kiến trúc rất độc đáo. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía bên trong của Trùng Minh Điện được trang trí nội thất theo phong cách phương Tây, đẹp như một khách sạn xa hoa. Trong điện có phòng trưng bày được cài đặt màn chiếu trên các bức tường tạo hiệu ứng 4D đặc sắc. Các hành lang cũng rất đẹp. Ngoài ra còn có mô hình Trùng Minh Điện rất chi tiết và tinh xảo. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía bên trong của Trùng Minh Điện được trang trí nội thất theo phong cách phương Tây, đẹp như một khách sạn xa hoa. Trong điện có phòng trưng bày được cài đặt màn chiếu trên các bức tường tạo hiệu ứng 4D đặc sắc. Các hành lang cũng rất đẹp. Ngoài ra còn có mô hình Trùng Minh Điện rất chi tiết và tinh xảo. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía bên trong của các phòng trưng bày ở cả tầng 1 và tầng 2 của Trùng Minh Điện, với nội dung về các đặc sứ Hàn Quốc, đất nước trước và sau Hiệp định Hàn Nhật. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Phía bên trong của các phòng trưng bày ở cả tầng 1 và tầng 2 của Trùng Minh Điện, với nội dung về các đặc sứ Hàn Quốc, đất nước trước và sau Hiệp định Hàn Nhật. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Quang cảnh bên trong phòng đọc sách của Trùng Minh Điện, tại đây được trang bị máy tính và máy tính bảng được cài đặt các tài liệu lịch sử để du khách dễ dàng tìm hiểu về lịch sử của cung, cũng như những vĩ nhân Hàn Quốc thời xưa. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)
Quang cảnh bên trong phòng đọc sách của Trùng Minh Điện, tại đây được trang bị máy tính và máy tính bảng được cài đặt các tài liệu lịch sử để du khách dễ dàng tìm hiểu về lịch sử của cung, cũng như những vĩ nhân Hàn Quốc thời xưa. (Ảnh: Nguyễn Phương Anh)

Có một số điểm mình rất ấn tượng khi tham quan tại đây. Đầu tiên phải kể đến phần sàn nhà bằng kính ở tầng 1, mình suýt giật mình khi không chú ý đến sàn nhà. Quả thật, mình rất nể phục Hàn Quốc khi luôn nỗ lực tái hiện và gìn giữ lịch sử một cách chân thật nhất. Phía dưới sàn kính đó, mình có thể nhìn thấy được tàn tích của toà nhà này từ hàng trăm năm trước. Tiếp đó, phòng trưng bày được bày trí rất công phu và được trang bị những thiết bị hiện đại, mình nhớ có một phòng trưng bày bên trong cả 4 bức tường cùng các cột nhà đều được trình chiếu nghệ thuật truyền thông, tạo cảm giác người xem đang hóa thân ở trong chính không gian cổ xưa đó. Phía trên tầng 2 cũng có thư viện rất đẹp và rộng, gồm sách cùng với máy tính để tiện tra cứu.

Bài viết liên quan  (P1) 역사의 태동(선사시대~고조선) - Sự khởi đầu của lịch sử (thời tiền sử ~ Gojoseon)

Sau chuyến đi này mình cảm thấy việc học lịch sử không còn quá khó khăn đối với mình nữa. Tận mắt chứng kiến và cảm nhận một phần của lịch sử Hàn Quốc rất chân thật khiến mình thấy rất thú vị. Giá vé vào cửa tham quan Deoksugung rất rẻ chỉ 1.000KRW (khoảng 20.000VNĐ) thậm chí còn giảm giá khi đi theo đoàn trên 10 người. Ngày nghỉ định kỳ ở đây vào thứ hai. Đối với mình đây là một điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu Hàn Quốc nói chung và lịch sử nói riêng. Vì vậy, nếu có cơ hội đặt chân đến thủ đô của Hàn Quốc, thì nơi đây quả là một điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua cho quý vị độc giả đó.

Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Phương Anh, shinn11@korea.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here